Tiên khách lai là một trong những chi thực vật ra hoa mùa đông xuân rất được ưa chuộng. Lá dày hình trái tim, cánh hoa gợn sóng và cuộn lại trông giống như tai thỏ nên nó còn được gọi là hoa anh thảo tai thỏ. Thời gian ra hoa cũng rất dài, thường từ tháng 11 – tháng 4 năm sau. Chi này thuộc họ Anh thảo (hơn 20 loài) và có nguồn gốc từ Châu Âu, Tây Á, Bắc Phi và bờ biển Địa Trung Hải, màu sắc hoa rất đa dạng từ đỏ, hồng, đỏ thẫm, tím, trắng, trắng sữa, hoa hai màu…

Thời kỳ ra hoa của nó trùng với các lễ hội truyền thống như Giáng sinh, Tết Nguyên đán nên nhu cầu rất lớn, giá trị sản xuất cao, mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho người trồng hoa. Ngoài ra, mùi thơm của hoa còn có tác dụng giảm căng thẳng, mệt mỏi và thanh lọc không khí (có thể hấp thụ SO2, CO2).

I. Đặc điểm hình thái & sinh trưởng

1. Đặc điểm hình thái

Loài mà chúng ta đang nói đến trong chi Tên khách lai có tên khoa học là Cyclamen persicum, một loại cây thân thảo lâu năm.

  • Cây có thân củ hình cầu dẹt đường kính 4 – 5 cm nhưng đột biến có thể tới 15cm, vỏ hơi sần màu nâu. Thân trên ngắn, chiều cao trung bình thường không quá 30 cm.
  • Lá mọc ra từ đỉnh của củ (hay gốc thân), cuống lá dài 5 – 18 cm, hình trái tim hoặc hình bầu dục, đường kính 3 – 14 cm, mép lá có răng hình lưỡi liềm, kết cấu dày, mặt trên màu xanh đậm xen kẽ các đường màu xám nhạt. Một số nhà thực vật tin rằng đây là cách ngụy trang của nó.
  • Cuống hoa dài 15 – 20 cm, hoa có thể có nhiều màu sắc khác nhau như đỏ tía, đỏ, tím, hồng và trắng. Ống tràng hoa hình bán cầu, thùy thuôn dài và dài 3.5 -5 lần ống hoa.
  • Quả là dạng quả nang có 5 thùy, hạt hình cầu màu nâu và đường kính ~ 2mm.
Đặc-điểm-hình-thái-&-sinh-trưởng-của-tiên-khách-lai
Đặc-điểm-hình-thái-&-sinh-trưởng-của-tiên-khách-lai

2. Đặc điểm sinh trưởng

Cây thích môi trường mát mẻ, ẩm ướt và nhiều nắng, nhiệt độ trung bình là 15 – 30°C, độ ẩm 70 – 75%. Cây chịu hạn tốt hơn là chịu úng. Khi cây nở hết hoa thì lá sẽ dần chuyển sang màu vàng, đây là dấu hiệu bình thường của cây đang chuẩn bị cho thời kỳ ngủ đông, bạn chỉ cần giảm lượng nước tưới và không bón phân.

3. Phân biệt 2 loài chính

Có 2 loài phổ biến hiện nay là loài của Châu Âu (Cyclamen purpurascens) và loài của Ba Tư (Cyclamen persicum).

  • Thông thường, loài Ba Tư thường nở vào mùa thu và mùa đông, còn loài châu Âu thường nở vào mùa xuân và mùa hè.
  • Nếu củ nhô lên trên mặt đất một chút thì là loài Ba Tư, nếu nó ẩn hoàn toàn trong đất thì là loài châu Âu. Củ của loài Ba Tư dẹt, không có củ con, rễ chỉ mọc ra từ phần dưới; của của loài châu Âu có đẻ nhánh và rễ mọc ra từ mọi hướng trên bề mặt của củ.

II. Tác dụng & ý nghĩa của hoa

1. Tác dụng

Từ lâu, người ta đã coi tiên khách lai như là một cây thuốc và thường sử dụng nó làm thuốc thay thế chữa viêm xoang, thấp khớp và trị độc rắn cắn. Nó được trồng trong các khu vườn từ thời La Mã cổ đại như một lá bùa hộ mệnh, lần đầu tiên nhắc đến loài này trong từ điển có lẽ là từ giữa thế kỷ 18. 6 /20 loài đã được mô tả bởi nhà nghiên cứu F. Miller.

Cần lưu ý thân rễ có chứa cyclamine alkaloid độc tính, nếu ăn phải có thể gây tiêu chảy và nôn mửa và tiếp xúc với da có thể gây đỏ, sưng và ngứa.

2. Ý nghĩa

  • Đạo Công giáo tin rằng hoa tiên khách lai là do máu của Đức Trinh Nữ Maria rơi xuống đất và mọc lên. Ở Nhật Bản, người ta tin rằng loài hoa này là loài hoa thiêng liêng tượng trưng cho tình yêu.
  • Thể hiện sự hiếu khách đúng như tên gọi của nó.
Hướng-dẫn-trồng-&-chăm-sóc-tiên-khách-lai
Hướng-dẫn-trồng-&-chăm-sóc-tiên-khách-lai

III. Hướng dẫn trồng & chăm sóc cây

1. Trồng & chăm sóc cây

  • Đất trồng tốt nhất là hỗn hơn gồm đất vườn, cát sông và đất mùn lá theo tỷ lệ 1:1:1. Nếu có thể thì bón thêm một lượng phân hữu cơ và super lân, giữ độ pH của đất ở mức 5.5 – 6.5. Cần chú ý thêm rằng nếu trồng chậu thì chỉ trồng chậu có kích thước vừa đủ hoặc hơi chật, như vậy sẽ kích thích nó nở hoa tốt hơn, đại khái mép củ đến mép chậu không quá 2 – 3 cm.
  • Nhiệt độ là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của tiên khách lai, nhiệt độ sinh trưởng thích hợp nhất là 12 -18°C, nếu nhiệt độ quá cao thì cây sẽ ngủ đông, không phát triển hoặc khi nhiệt độ <5°C thì cây có thể chết vì cóng. Độ ẩm của đất ​​60 – 80% còn độ ẩm không khí từ 65 – 85% là có lợi nhất cho sự phát triển của cây. Cần chú ý là cây không thích bị gió lùa, không thích điều hòa.
  • Nên tưới nước dưới dạng phun sương là tốt nhất. Ở giai đoạn cây chưa nảy mầm, nếu củ chuyển từ màu nâu đỏ sang màu xanh lục nghĩa là lượng nước tưới quá nhiều. Trong thời gian cây ngủ đông hoặc đang ra hoa thì không nên tưới nước quá nhiều.
  • Cây ưa ánh sáng tự nhiên nhưng không phải ánh sáng quá gắt.
  • Trong giai đoạn đầu của cây con, ưu tiên bón phân có nhiều đạm và bón 10 ngày / lần, hoặc để đơn giản thì bón phân NPK tỷ lệ 1:1:1 trong suốt thời gian sinh trưởng hoặc phân kali dihydrogen photphat 0.3%. Trong giai đoạn cây đang ra hoa thì không bón phân.
Kiểm-soát-sâu-bệnh-cho-tiên-khách-lai
Kiểm-soát-sâu-bệnh-cho-tiên-khách-lai

2. Kiểm soát sâu bệnh

  1. Bệnh thối mềm chủ yếu làm cho củ bị thối mềm, tiết ra dịch lỏng khiến cây bị héo dần. Bạn có thể dùng streptomycin tỷ lệ 1:1000 – 1500 lần nước, phun hoặc tưới vào đất đều được.
  2. Bệnh mốc xám (Botrytis cinerea) thường xảy ra do nhiệt độ quá cao, thông gió kém, trên lá sẽ xuất hiện những mụn nước màu trắng vàng. Bạn có thể phun thiophanate methyl tỷ lệ 1:1000 – 1500 lần hoặc carbendazim tỷ lệ 1:500 – 800 lần nước để kiểm soát, cứ 7 ngày phun 1 lần.
  3. Rệp gây hại cho nụ và chồi non, bạn có thể phun omethoate tỷ lệ 1:1500 – 2000 lần nước, 7 ngày/ lần trong 3 lần liên tiếp.
  4. Nhện đỏ có kích thước rất nhỏ, thường chỉ như một chấm nhỏ dưới mặt lá, nó hút nhựa từ làm tổn thương các mô, lá dần chuyển sang màu gỉ sắt. Bạn có thể phun lưu huỳnh vôi để phòng trừ, tần suất 6 – 7 ngày/ lần.

IV. Phương pháp nhân giống

1. Gieo hạt

Nhân giống bằng cách gieo hạt là một phương pháp phổ biến, trọng lượng 1000 hạt là khoảng 10 gam, tỷ lệ nảy mầm chung là 85 – 95%. Để thúc đẩy hạt nảy mầm hiệu quả, hãy ngâm hạt trong nước ấm 30 độ C trong 2 – 3 giờ trước khi gieo, sau đó lau sạch lớp chất nhầy dính trên bề mặt, bọc hạt vào trong một miếng vải ẩm trong 1- 2 ngày; nếu gieo hạt trực tiếp xuống đất thì sau khi gieo nên phủ một lớp đất dày 1cm và bọc chậu lại bằng màng nilon để giữ ẩm và giữ ấm,.

Nhiệt độ tối ưu để hạt nảy mầm là 15 – 20°C, độ ẩm không khí 40 – 60%, hạt có thể nảy mầm sau khoảng 1.5 tháng, khi cây con có 4 – 5 lá thì có thể trồng vào chậu. Từ khi gieo hạt đến khi ra hoa mất khoảng 15 tháng.

phương-pháp-nhân-giống-hoa-tiên-khách-lai-bằng-hạt
phương-pháp-nhân-giống-hoa-tiên-khách-lai-bằng-hạt

2. Chia củ

Củ mẹ không thể chia thành nhiều củ con theo tự nhiên nên phải cắt và nhân giống nhân tạo. Thông thường vào cuối tháng 8 khi củ sắp nảy mầm, cắt củ theo chiều dọc thành nhiều phần từ trên xuống, mỗi phần phải có 1 chồi mắt, bôi tro thực vật vào vết cắt, để củ khô rồi hãy đem đi trồng.

Nếu bạn mua củ giống thì hãy chú ý xem nó nặng bao nhiêu, cầm trên tay củ phải nặng và không bị nhăn và xem củ có nụ không, nụ thường nằm ở phía trên và trông hơi giống mầm của thu hải đường.

nhân-giống-bằng-cách-phân-chia-củ
nhân-giống-bằng-cách-phân-chia-củ

3. Nuôi cấy mô

Nhân giống theo phương pháp phòng thí nghiệm, bạn có thể sử dụng nhị hoa, củ, lá, thân non… từ cây con 1-2 tuổi làm vật mẫu. Nuôi cấy trong môi trường MS, sử dụng MS+3mg/L 6-BA+1mg/L NAA làm môi trường cảm ứng, sử dụng 1/2MS+0,3mg/L NAA làm môi trường tạo rễ, sử dụng MS+3mg / L 6-BA+0,4mg/L NAA là môi trường cấy chuyền.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.