Thủy tiên là một chi thực vật có tên khoa học là Narcissus, có khoảng 60 loài trong tự nhiên và mọc chủ yếu ở miền nam châu Âu, Địa Trung Hải và châu Á, trong đó khoảng 25 loài được trồng vườn cùng số lượng lớn các loài lai. Ở phương Đông, người ta thường so sánh một bông hoa (gọi là “nargis”) với đôi mắt của người yêu còn với người Hy Lạp cổ đại, hoa thuỷ tiên vàng là hiện thân của cái chết trong khi ở châu Âu trong thời Phục hưng, hoa thuỷ tiên vàng là biểu tượng của tình yêu và hôn nhân.
Contents
I. Đặc điểm hình thái & sinh trưởng
1. Đặc điểm hình thái
Thủy tiên có tên khoa học là Narcissus tazetta, một loài thuộc chi Narcissus (chi Thủy Tiên), là loài cây thân thảo sống lâu năm có củ như củ hành, các chồi mọc ra từ củ.
- Lá mọc từ gốc, dài 30 – 45 cm, dẹt và dày, có khoảng 4 – 6 lá trên mỗi cây, gân song song, trên mặt lá có một lớp bột sương. Cuống hoa mọc từ gốc lá, hình ống và rỗng bên trong, dài 20 – 50 cm hoặc hơn.
- Hoa có hình quạt mọc thành vòng tròn, mỗi cây có 5 – 7 hoa nhưng có những cây có thể mọc tới 16 bông hoa. Có thể chia thành hoa đơn và hoa kép. Hoa đơn có 6 cánh màu trắng, đài hoa hình chén màu vàng và có mùi thơm nồng. Hoa kép có 12 thùy, cánh hoa cũng màu trắng, bên trong có 6 nhị hoa, 3 bầu nhụy, đầu nhụy nông và có 3 thùy, bên trong có nhiều noãn.
- Quả là loại quả nang có màng, hạt có hình cầu.
2. Đặc điểm sinh trưởng
Thủy tiên thích môi tường ấm áp, ẩm và thoát nước tốt, thích ánh nắng mặt trời. Thời kỳ ra hoa thay đổi tùy theo giống, ví dụ giống Nhật Bản nở vào dịp năm mới, các loài thông thường nở từ tháng 2 – 4, có giống nở vào mùa thu.
3. Các loài chính khác
- Narcissus triandrus cao trung bình khoảng 25cm, hoa mọc thành cụm 2 – 3 bông hoa, cánh hoa rất to màu trắng như tuyết.
- Narcissus jonquilla là giống lai có thể sống 5 – 7 năm.
- Narcissus poeticus chỉ có một bông hoa màu trắng trên cây, bao hoa nhỏ màu trắng sữa.
- Narcissus bulbocodium có hoa màu vàng.
II. Tác dụng & ý nghĩa của hoa
1. Tác dụng
1.1. Làm dược liệu
Trong y học cổ truyền, họ sẽ nghiền nát củ để bôi ngoài da điều trị sưng tấy, tuyệt đối không nên bôi vào bên trong da nếu không sẽ gây ra các bệnh về tiêu hóa và hệ tuần hoàn. Củ có chứa các alcaloid có thể được sử dụng làm thuốc giảm đau. Nghiên cứu hiện đại cho thấy củ có chứa pseudolycorine và lycorine, cả 2 đều có tác dụng ức chế khối u. Hoa có chứa các hợp chất thơm như: trans-β- ocimene , α-farnesene, 1,4-dimethoxybenzen, indole , metyl benzoat , rượu phenethyl , rượu linolenic oxit…
Xin lưu ý rễ và củ có độc, ăn nhầm với lượng lớn có thể dẫn đến tử vong.
1.2. Trang trí
2. Ý nghĩa
Ý nghĩa của hoa là “tự phụ” và “tự ái”. Nguồn gốc của ý nghĩa này xuất phát từ một truyền thuyết trong thần thoại Hy Lạp. Có một chàng trai tên Narcissus vốn sở hữu vẻ đẹp nghiêng thành nhưng lại bị nguyền rủa vì luôn có thái độ kiêu ngạo bởi vẻ đẹp của mình và chỉ yêu bản thân mình. Chuyện kể rằng anh ta cúi xuống để ngắm bản thân phản chiếu trên mặt nước cho đến khi yếu đi và chết.
Cũng có nguồn nói rằng không phải do anh bị mê hoặc bởi nhan sắc của chính mình mà là bị thần trừng phạt vì đã vô tâm với tình yêu của thần núi Echo dành cho anh. Khi cô không được Narcissus đáp lại đã tìm đến các vị thần để được giúp đỡ, Narcissus bị Aphrodite trừng phạt khiến anh phải yêu hình ảnh phản chiếu của cô dưới dòng suối cho đến khi qua đời. Các vị thần thương hại anh nên đã làm cho một bông hoa xinh đẹp mọc lên.
Hoa thủy tiên cũng làm thay đổi một phần phong thủy cho ngôi nhà. Truyền thuyết kể rằng có một đôi vợ chồng trẻ tốt bụng đã giúp đỡ một vị thần trên núi, đổi lại vị thần này đã nói với họ rằng ở đó sắp xảy ra một trận lũ lụt và khuyên họ nên rời đi càng sớm càng tốt nhưng không được nói cho ai biết. Hai vợ chồng đã báo tin cho cả làng nên cả làng đã thoát nạn, nhưng vì đôi nam nữ không giữ bí mật nên vị thần đó đã biến họ thành hai bông thủy tiên. Vì thế thủy tiên mang ý nghĩa rất tích cực trong phong thủy.
III. Hướng dẫn trồng & chăm sóc hoa
Thủy tiên thích khí hậu ấm áp, ẩm ướt và nhiều nắng, nhiệt độ không quá nóng hoặc quá lạnh, dù vậy thì chúng có khả năng chịu lạnh rất tốt. Bạn có thể trồng trên mọi loại đất trừ đất sét và đất sỏi, nhưng tốt nhất đất phải có độ pH trung tính hoặc hơi chua (6 – 7).
Thông thường, các loại cây có củ được trồng vào mùa thu. Ở vùng khí hậu lạnh, thời điểm tốt nhất để trồng hoa thuỷ tiên vàng là tháng 9. Bạn có thể trồng vào đầu mùa xuân, thậm chí vào mùa đông nhưng có một điều kiện: nên để củ trong tủ lạnh 2 tháng trước khi trồng nếu không củ sẽ không bén rễ tốt và sẽ không nở hoa. Những củ được bảo quản trong tủ lạnh có thể được trồng vào giữa hoặc cuối tháng 4 (đầu mùa xuân).
1. Trồng hoa
Đối với củ 1 – 2 tuổi, độ sâu trồng trong đất là 8 – 10 cm còn đối với củ 3 tuổi, độ sâu trồng là 5 cm.
- Trồng chậu: Trước khi trồng củ nên bóc bỏ các lớp vỏ khô màu nâu bên ngoài, cắt bỏ rễ già, đổ đất mùn cách mép chậu 5 – 7 cm sau đó đặt củ vào chậu rồi đổ nốt phần đất còn lại, nén chặt và tưới nước thật kỹ, đặt ở nơi thoáng mát trong nhà, mất khoảng 5 ngày để củ ra rễ, chuyển dần ra ánh nắng. Khi trồng trong chậu chú ý chỉ tưới nước khi đất khô, khi tưới thì tưới cho tới khi chảy nước dưới đáy chậu. Nếu trồng từ hạt thì gieo 3 – 5 hạt vào mỗi chậu đường kính 10 – 15cm, độ sâu 4 – 5cm.
- Thủy canh: Đặt củ vào bình nước ngập 1 – 1.5 cm so với củ rồi đặt ở nơi thoáng mát, sau khi củ đã ra rễ thì đặt ở nơi có nắng cho đến khi nở hoa. Tốt nhất nên thay nước thường xuyên, đồng thời bón phân chuyên dụng vào nước để tăng dinh dưỡng cho nước.
Cách chọn củ giống: Củ giống tốt phải to, bề mặt nhẵn và cứng mọng khi bóp, các sọc trên bề mặt củ phải rộng, sáng màu. Bạn cũng có thể xác định giống tốt và dự đoán số lượng hoa: Các củ có vỏ màu nâu, gân mỏng là loại hoa đơn; củ có gân dày và rộng hơn thường là hoa kép.
2. Chăm sóc hoa
- Nhiệt độ tối ưu để hoa phát triển là từ 17 – 23°C, không được > 30°C cũng không < 7°C.
- Bón phân pha loãng với nước 1 tuần/lần, khi cây ra nụ thì tăng cường bón lân & kali để hoa nở đẹp và kéo dài thời gian ra hoa, trước mùa đông nên bón thêm một lần nữa.
3. Kiểm soát sâu bệnh
Các bệnh và côn trùng gây hại chính của hoa thủy tiên bao gồm đốm nâu, bạc lá, tuyến trùng, aspergillosis, penicillium…
- Bệnh đốm nâu ảnh hưởng đến lá và thân, khiến lá có màu nâu, dần dần lan rộng sang cả thân. Giai đoạn đầu nên phun dung dịch 75% bột chlorothalonil tỷ lệ 1:600 – 700 lần nước, cứ 5 – 7 ngày phun 1 lần. Trước khi trồng nên ngâm củ vào dung dịch formalin 0,5% hoặc 50% carbendazim 1:500 lần nước trong 30p để phòng bệnh.
- Bệnh bạc lá xuất hiện dưới dạng các đốm màu vàng, sau đó lan rộng theo dạng hình quạt, làm lá khô đi và có các đốm màu đen. Phòng ngừa bệnh bằng cách ngâm củ trong axit permanganic loãng, để trị bệnh thì có thể phun dung dịch kẽm 50% tỷ lệ 1:1500 lần nước.
- Tuyến trùng chủ yếu gây hại cho lá và thâ, xuất hiện những sọc màu nâu vàng khiến lớp biểu bì chuyển sang màu nâu cho đến khi héo. Bệnh này có thể phòng ngừa bằng cách ngâm củ trong dung dịch formalin 0.5% ở 40 – 43°C trong 3 – 4 giờ.
IV. Phương pháp nhân giống
Từ cuối tháng 8 – đầu tháng 10, dùng dao sắc cắt các củ thành các phần nhỏ (cắt dọc từ khe hở giữa các gốc lá), rắc bột carbendazim hoặc than tro lên bề mặt để khử trùng rồi để các củ héo lại thì trộn với đá vermiculite sạch có độ ẩm từ 6% – 10%, liều lượng gấp 3 lần thể tích củ, gói kín trong túi nhựa màu đen và bảo quản ở nhiệt độ 18 – 20°C đến đầu tháng 11.