Hoa quỳnh có nguồn gốc từ các sa mạc nhiệt đới Mexico đến Brazil, khí hậu ở đó khô và nóng nhưng mát hơn vào ban đêm nên tập tính ra hoa vào ban đêm có thể giúp cây tránh được ánh nắng mặt trời gay gắt vào ban ngày, rút ngắn thời gian ra hoa có thể làm giảm đáng kể lượng nước mất đi, rất có lợi cho sự sinh tồn của cây ở sa mạc. Mặc dù quỳnh là một loài xương rồng biểu sinh nhưng nó không có gai, không có lá, bông hoa có kích thước lớn và rất thơm nhưng có xu hướng chỉ nở trong một đêm hoặc vài tiếng.
Contents
I. Đặc điểm hình thái & sinh trưởng
1. Đặc điểm hình thái
Hoa quỳnh, còn được gọi là dạ quỳnh hoặc hoa quỳnh trắng, có tên khoa học là Epiphyllum oxypetalum thuộc chi Epiphyllum (chi Quỳnh), một loại cây bụi mọng nước biểu sinh thuộc họ Cactaceae. Hoa có thể nở 2 lần/ năm, thường vào khoảng 8h tối, hoa có mùi thơm và bắt đầu héo sau 4 tiếng.
- Cây cao trung bình 2 – 6 mét, thân già hình trụ và có màu gỗ. Lá hình mũi mác dài 15 – 100 cm, rộng 5 – 12 cm, đầu lá nhọn, mép lá lượn sóng. Lá có màu xanh đậm, không có lông, gân giữa dày 2 – 6 mm, nhô ra hai bên, cây già phân nhánh tạo rễ trên mặt đất.
- Hoa mọc đơn độc, có hình phễu. Cuống hoa dài 25 – 30 cm, đường kính hoa 10 – 12 cm; cánh hoa màu trắng và có hình mũi mác dài 7 – 10cm, rộng 3 – 4.5 cm, mép cánh hoa nhẵn mịn; nhị hoa xếp thành hai hàng, chỉ nhị màu trắng dài 2.5 – 5 cm; bao phấn màu vàng nhạt dài 3 – 3.5 mm; có 15 – 20 nhụy hoa hẹp, dài 16 – 18 mm và có màu trắng vàng. Đài hoa màu trắng xanh, thuôn dài 8 – 10 cm và rộng 3 – 4 mm. Thời kỳ ra hoa là từ tháng 6 – 10, nở hoa vào ban đêm, chủ yếu được thụ phấn bởi côn trùng và dơi hoạt động về đêm.
- Quả có hình cầu và có các đường gờ dọc, không có lông, khi chín có màu đỏ tím. Hạt hình trứng, màu đen, bề mặt nhăn nheo và không có lông.
2. Đặc điểm sinh trưởng
Quỳnh thích môi trường bán râm, ẩm & ấm áp, không chịu được sương giá và cần tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời quá gắt. Nhiệt độ sinh trưởng trung bình là 15 – 25°C, có thể chịu được nhiệt độ thấp khoảng 5°C vào mùa đông. Đất trồng phải là đất cát pha có độ chua nhẹ, giàu mùn, thoát nước tốt, tơi xốp, màu mỡ.
II. Tác dụng & ý nghĩa của hoa
1. Tác dụng
1.1. Làm dược liệu
- Thanh nhiệt, giảm ho, phòng lao và hen suyễn.
- Trị mất ngủ, đau bụng, đầy hơi.
- Phòng ngừa cao huyết áp, mỡ máu cao: Bạn có thể pha trà với mật ong và uống, khi hầm thịt cũng có thể cho một ít hoa vào cùng với địa hoàng, hạt quế và các dược liệu khác đem hầm chung, cháo thịt sườn hoa quỳnh có thể phòng ngừa cao huyết áp, mỡ máu cao.
1.2. Làm cảnh
Đây là một loài hoa có giá trị làm cảnh vì hoa nở có màu trắng, tròn nhiều cánh hoa xếp thành từng lớp rất đẹp.
2. Ý nghĩa
- Vì hoa nở vào ban đêm và chỉ nở trong vài tiếng, nhắc nhở mọi người về sự phù du của cuộc đời nên hãy trân trọng cuộc sống này.
- Khi hoa nở có màu trắng là màu của sự trong sáng, ngây thơ nên khi tặng hoa cho bạn bè có nghĩa là khen ngợi phẩm chất thanh cao của họ.
III. Hướng dẫn trồng & chăm sóc hoa
Phương pháp trồng & chăm sóc hoa quỳnh thực chất cũng giống như các loại cây mọng nước khác như chỉ tưới nước khi đất khô và phải tưới cho tới khi nước chảy dưới đáy chậu. Đất trồng phải tơi xốp, thoáng khí, thoát nước tốt, độ pH 6 – 7. Bạn có thể trộn hỗn hợp đất trồng gồm 60% đá vermiculite, 20% xơ dừa hoặc than bùn và 20% đất cát.
Cây tuy ưa nắng nhưng không phải trồng dưới nắng gắt mùa hè > 36°C nếu không cành và lá sẽ chuyển sang màu vàng.
Cây có khả năng chịu hạn tương đối, nguyên tắc tưới nước là tưới thật kỹ khi đất trong chậu khô, không để nước ứ đọng trong chậu. Vào mùa hè có thể tưới lên lá 1- 2 lần vào buổi sáng + tối, mùa đông cần hạn chế tưới nước.
Nếu có điều kiện thì bón phân NPK hàm lượng cân đối cứ 10 ngày / lần trong thời kỳ sinh trưởng, bón thêm phân lân trước khi cây ra hoa vào mùa hè. Mặc dù thời gian ra hoa ngắn nhưng nếu được bón phân đủ thì có thể nở liên tục cho đến cuối mùa thu.
Bạn có thể áp dụng cách “đảo ngược ngày và đêm” để quỳnh có thể nở hoa vào ban ngày. Cụ thể khi nụ đã to, vào ban ngày hãy chuyển cây vào phòng tối hoặc phủ nilon đen để cây không nhận được ánh sáng, ban đêm thì thắp đèn. Sau khoảng 7 – 8 ngày, cây có thể nở hoa vào ban ngày.
IV. Phương pháp nhân giống
1. Giâm cành
Để nhân giống bằng cách giâm cành, bạn chọn những thân cây khỏe, lá dày làm cành giâm, cắt dài 20 – 30 cm thành 2 đến 3 đoạn và để hơi héo rồi mới cắm vào đất. Đất trồng nên trộn đất vườn, tro trấu, cát theo tỷ lệ 6:3:1, độ ẩm đất nên giữ ở mức khoảng 60%, nhiệt độ 18 – 24°C thì cành sẽ ra rễ sau khoảng 3 tuần. Khi rễ dài 3 – 4 cm thì có thể trồng vào chậu. Để tăng tỷ lệ ra lễ thì nên dùng bột kích rễ.
2. Gieo hạt
Nhân giống bằng cách gieo hạt thường được sử dụng để nhân giống chéo, từ khi gieo hạt đến khi ra hoa phải mất 4 – 5 năm.