Mai vạn phúc hay còn được gọi là ngọc bút, lài trâu, lài tây, tên khoa học của nó là Tabernaemontana divaricata và rất hay bị nhầm lẫn với mai chỉ thiên. Hoa mai vạn phúc
Contents
I. Đặc điểm hình thái & sinh trưởng
1. Đặc điểm hình thái
Đây là một loài cây bụi thường xanh phân nhánh dày đặc với những chiếc lá khá lớn bóng loáng màu xanh đậm và hoa màu trắng như tuyết. Cây cao trung bình 150 – 300 cm nhưng trong tự nhiên có thể cao tới 5m, cành khỏe và rậm rạp, phân nhánh nhiều, hình dạng cây tự nhiên là tròn.
- Vỏ cây màu xám, nhăn nheo, nhựa màu trắng đục.
- Lá mọc đối, thuôn dài hoặc hình trứng ngược, dài 8 – 15 cm và rộng 0.3 – 5 cm, đầu lá và gốc lá đều nhọn, mép lá nguyên. Bề mặt lá màu xanh bóng, mặt sau xanh nhạt, hai mặt đều nhẵn và không có lông, gân giữa nổi lên hai bên, 5 – 8 gân bên nổi lên ở mặt sau.
- Có nhiều hoa màu trắng, đường kính 1.5 – 1.7 cm, mùi thơm nhẹ và nồng hơn vào ban đêm, hoa mọc thành cụm ở đầu ngọn. Cụm hoa dài 3 – 5 cm, nhẵn và không có lông; cuống hoa dài khoảng 5mm, ống đỉnh dài 1 – 1.2 cm. Ở giữa hoa có quầng màu cam nhạt, đỉnh hoa có 5 thùy, hoa có hình chong chóng 5 cánh, 5 nhị; 2 bầu nhụy.
- Quả rất hiếm ra, có hình trụ, có gân, cong dài tới 7 cm. Chúng mọc thành từng cặp và có từ 3 – 6 hạt nhỏ bên trong, cùi thịt màu cam hoặc đỏ tươi.
2. Đặc điểm sinh trưởng
Mai vạn phúc phát triển tự nhiên ở vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới ẩm, thường là những vùng không có sương giá với nhiệt độ hàng năm 15 – 25°C, mức cao nhất là 23 – 37°C, lượng mưa hàng năm từ 800 – 2500 mm.
II. Tác dụng & ý nghĩa của cây
Ngọc bút được ứng dụng nhiều trong y học để điều trị các bệnh khác nhau như:
- Thân gỗ dùng làm thuốc cảm, hạ sốt.
- Lá giã với đường, uống với nước để giảm ho.
- Rễ nhai giúp giảm đau răng, chữa tiêu chảy, nhuận tràng.
- Hoa có vị chát ép lấy nước bôi chữa bệnh ngoài da.
Các chất quan trọng được tìm thấy trong các bộ phận của cây bao gồm amyrin, ajmalicine, tryptamine, kaempferol, pericalline, voacamine, vasharine có tác dụng hạ huyết áp. Vỏ, thân và rễ có chứa ancaloit.
- Năm 2002, Hàn Quốc tiến hành một nghiên cứu để kiểm tra tác dụng của chiết xuất đối với chuột. Người ta thấy rằng nó có thể giúp ức chế HMG Co A reductase, một loại enzyme tiêu hóa chất béo trong tuyến tụy, và có thể giúp giảm mức cholesterol và chất béo trung tính trong máu.
- Năm 2005, Hàn Quốc lại tến hành nghiên cứu chiết xuất cây với nhiều loại thảo dược khác, cho thấy hiệu quả trong điều trị bệnh tim, giảm huyết áp cao và máu đông. Hỗn hợp đó gồm 1 – 10% ngọc bút, 1 – 10% ca cao, 1 – 10% sen, 1 – 10% ngô, 1 – 10% cỏ gấu và thử nghiệm ở bệnh nhân mỡ máu cao, giúp người đó giảm lượng mỡ trong máu.
- Cùng năm, Hàn Quốc nghiên cứu tác dụng của Crocin và Crocetin, giúp ức chế lipase tuyến tụy, một loại enzyme trong tuyến tụy của chuột bị béo phì, kết quả là chuột đã giảm mức cholesterol và chất béo trung tính.
- 1 năm sau làm nghiên cứu tương tự về khả năng giảm mỡ máu ở chuột và cũng cho kết quả khả quan.
III. Hướng dẫn trồng & chăm sóc cây
Đất trồng cây tốt nhất là đất thịt pha cát ẩm, giàu chất hữu cơ, độ pH từ 4.5 – 6.5. Nơi trồng có đủ nắng sẽ ra hoa nhiều hơn (tất nhiên cây con mới trồng thì hạn chế để ngoài nắng vào giữa trưa). Cắt tỉa 1 lần vào mùa thu đông để cắt bỏ những cành già, cành bị bệnh, cành yếu hoặc cành thừa. Nhiệt độ thích hợp nhất cho cây phát triển là 22 – 30°C.
- Trồng dưới ánh nắng đầy đủ đến bóng râm một phần. Nếu trồng cây trong nhà thì đảm bảo cây nhận được 6 – 7 giờ chiếu nắng mỗi ngày.
- Tưới nước thường xuyên vì nó thích đất ẩm, trung bình 1 – 2 lần/ tuần. Tưới ít hơn khi cây đã bén rễ, chờ đất khô giữa các lần tưới.
- Bón nhiều phân lân và kali để cây sinh trưởng mạnh, ra hoa đẹp, hạn chế bón đạm. Có thể sử dụng phân trùn quế.
Mai vạn phúc có hệ thống miễn dịch khá mạnh, thường không bị sâu bệnh tấn công nhưng không có nghĩa là không phát sinh vấn đề trong quá trình trồng cây, đặc biệt ở trong nhà. Ví dụ:
- Lá vàng có thể do cây bị nhiễm clo từ nước tưới.
- Lá ra chậm và rụng có thể do độ chua của đất bị tăng lên. Bạn cần kiểm tra kỹ rễ xem có bị thối hay không để ngăn ngừa bệnh phát triển trong giai đoạn đầu
- Chồi, cành dài là do thiếu ánh sáng tự nhiên.
- Hoa rụng có thể do nhiệt độ quá nóng hoặc phòng quá ẩm. Trong trường hợp này cần thông gió cho cây, nhưng gió không quá mạnh.
- Đốm màu trắng ở mặt dưới của lá có thể do ký sinh trùng. Nếu không có dấu hiệu của côn trùng thì bạn cần điều chỉnh độ ẩm của đất và giảm tần suất tưới nước.
IV. Phương pháp nhân giống
Có thể nhân giống bằng phương pháp gieo hạt, giâm cành. Cắt những cành khỏe 1 – 2 năm tuổi, cắt cành dài khoảng 10 – 15 cm sao cho có 1 – 2 chồi rồi ngâm vào dung dịch kích rễ khoảng 4 – 6 tiếng sau đó giâm cành vào đất cát sông pha đất vườn (hoặc than bùn và cát), tưới ẩm cho đất. khoảng 5 – 8 tuần sau cành có thể ra rễ.
- Bạn cũng có thể nhân giống bằng phương pháp phân lớp không khí (khoanh tròn): Chọn cành khỏe như trên, bóc tách lớp vỏ dày 1- 1.5cm và bó lại bằng bùn ao trộn rơm hoặc rêu nước, rồi bọc nilon lại, chờ đến khi cành ra rễ thì cắt khỏi cây mẹ và trồng riêng.
Vì hạt giống không phải lúc nào cũng có sẵn nên ít khi nhân giống bằng gieo hạt. Hạt giống được ngâm trước trong nước ấm từ 4 – 6 giờ, sau đó gieo vào đất tơi xốp đến độ sâu 0.5 – 1 cm, phủ màng nilon và đặt ở nơi có ánh sáng tự nhiên (không phải ánh nắng mặt trời), duy trì nhiệt độ 20 – 25°C. Trong điều kiện thuận lợi, những chồi đầu tiên có thể xuất hiện sau 3 tuần đến 2 tháng.