Đuôi công tím có tên khoa học là Calathea roseopicta. Đây là một loài cây trồng trong nhà có thể cao tới 50 cm với những chiếc lá màu xanh nhạt bao quanh bởi các viền màu xanh đậm và bên trong có màu hồng phớt, mặt dưới có màu đỏ tím trông rất nghệ.
Contents
I. Đặc điểm hình thái & sinh trưởng
1. Đặc điểm hình thái
Đây là cây thân thảo sống lâu năm có thân rễ, chiều cao trung bình là 30 – 60 cm.
- Lá có hình bầu dục dài 20 – 30 cm và rộng 15 – 20 cm, lá hơi dày và có nhiều lông, bề mặt nhẵn bóng, mặt lá màu xanh ngọc bích xen kẽ các sọc màu tím, gân xanh, gân giữa thường có màu hồng hoặc tím, gân bên có sọc xanh xám nhạt chạy chéo hướng lên trên, dọc theo mép lá có sọc màu vàng, mặt sau lá có đốm đỏ tím.
- Cụm hoa hình nón, không cuống, mọc đơn độc hoặc kèm theo 1 lá; có 2 hoặc nhiều lá bắc, thường xếp theo hình xoắn ốc hoặc 2 hàng. Hoa thường có nhiều hơn 3 cặp, lá bắc có màng; 3 lá đài; ống tràng bằng lá đài hoặc dài hơn một chút; bầu nhụy có 3 ngăn.
- Quả nang có 3 hạt, hình tam giác.
2. Đặc điểm sinh trưởng
Đuôi công tím ưa môi trường nhiệt độ và độ ẩm cao nhưng cần tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trực tiếp, không chịu được lạnh, nhiệt độ tăng trưởng thích hợp là 18 – 29°C. Đất mùn có tính axit nhẹ là môi trường canh tác thuận lợi nhất cho sự phát triển của thân rễ. Ngoài ra cuống lá gắn trực tiếp vào thân ngầm và không có rễ cái nên khi trồng bầu thì nên chọn chậu nông, rộng.
Loài này rất nhạy cảm với gió lùa và khói từ bếp ga, khói thuốc lá.
3. Các loài tương tự
- Calathea makoyana (đuôi công) – cũng là loài phổ biến nhất trong cùng chi. Loài này không thích phun thuốc, sống được hoàn toàn dưới ánh sáng nhân tạo, thích hợp trồng trọt trong nhà. Lá có hình bầu dục, màu xanh đậm xen kẽ màu xanh nhạt. Mặt dưới của lá có màu tím nhạt.
- Calathea lanceofolia có lá hình thuôn dài màu xanh nhạt xen kẽ các sọc hoặc chấm màu xanh đậm, mặt dưới lá màu tím đậm.
- Calathea picturata có lá thuôn dài nhưng cơ bản vẫn là hình bầu dục. Lá có màu xanh nhạt nhưng mép lá màu xanh đậm.
- Calathea zebrina có mặt trên lá xen kẽ sọc màu xanh nhạt và xanh đậm và hướng chéo lên trên đầu lá. Mặt dưới của lá có màu đỏ.
- Calathea rufibarba có lá hẹp hình mũi mác, mép lượn sóng đều, cuống lá dài (lên đến 30 cm). Lá có màu xanh đậm, sáng bóng, không có hoa văn. Mặt dưới của lá có màu đỏ sẫm.
- Calathea crocata – lá có màu xanh đậm xen kẽ sọc màu xám đen, mép lá gợn sóng, mặt dưới của lá có màu tím. Nếu được chăm sóc tốt, cây sẽ nở hoa màu vàng cam vào mùa đông.
- Calathea warschewizii có hoa màu trắng kem. Lá cũng mượt, hình bầu dục, màu xanh đậm, đầu lá hơi tròn, mặt dưới có tông màu đỏ tía (tím đậm) nhìn rõ, phiến lá gần gân giữa có màu xanh nhạt nhưng càng về mép lá thì màu càng đậm, gân bên cũng nổi rõ và có màu xanh nhạt.
- Calathea Veitcha có thể đạt chiều cao 90 cm. Lá bóng, hình bầu dục, màu sắc rất thú vị: màu cơ bản là xanh đậm xen kẽ sọc màu trắng bạc và xanh nhạt.
- Calathea Ornata có lá dài tới 40 cm và rộng tới 15 cm. Mặt trên có màu xanh đậm xen kẽ các sọc nhỏ màu trắng nhưng theo thời gian, những sọc này sẽ mờ dần. Mặt dưới lá có màu tím đậm.
II. Tác dụng & ý nghĩa
Loài này cũng giống như các loài khác cùng chi, có lá nhiều màu sắc, lại chịu bóng râm tốt nên có thể trồng trong nhà hoàn toàn để trang trí nội thất. Cũng có thể trồng ngoài trời nhưng phải ở nơi râm mát trong sân, công viên hoặc ven đường. Đuôi công tím có lá màu xanh tím xen kẽ, thích hợp mọi không gian trong nhà như nhà ở, khách sạn, trung tâm mua sắm…
III. Hướng dẫn trồng & chăm sóc cây
Nước và độ ẩm không khí đóng vai trò quan trọng nhất trong việc chăm sóc các loài đuôi công. Chỉ tưới nước cho cây bằng nước ấm, mềm (không chứa canxi và magie) để giữ cho đất luôn ẩm nhưng không dính hoặc úng.
1. Trồng & chăm sóc
- Về cơ bản, đất trồng nên giàu mùn, phải thoát nước tốt và có tính axit (pH 5 – 5.5), tốt nhất là hỗn hợp đất than bùn, phân và cát thô.
- Tránh ánh nắng trực tiếp vì dễ gây cháy lá. Nên trồng trong môi trường ánh sáng nhân tạo hoặc che nắng 75 – 80%.
- Duy trì độ ẩm không khí tương đối 75 – 85%, nếu độ ẩm thấp cũng khiến lá bị cong, biến dạng và không thể phục hồi.
- Bón phân theo nguyên tắc “bón thường xuyên và nhẹ”, bón hữu cơ hoặc vô cơ đều được miễn là 2 tuần 1 lần trong giai đoạn cây sinh trưởng, hàm lượng dinh dưỡng trong phân bón chủ yếu là đạm.
2. Kiểm soát sâu bệnh
Đuôi công có khả năng kháng bệnh cao và ít sâu bệnh nhưng đôi khi vẫn có thể xuất hiện, chủ yếu do điều kiện chăm sóc không đúng cách. Các loài gây hại phổ biến bao gồm côn trùng cánh vảy, nhện còn bệnh thường gặp bao gồm đốm lá, phấn trắng.
- Côn trùng cánh vảy chủ yếu là rệp sáp, xuất hiện ở mép hoặc mặt sau của lá. Chúng hút nhựa, trường hợp nhẹ lá chuyển sang màu vàng và già đi, nặng thì lá chết, rụng cho đến khi toàn bộ cây chết. Nếu phát hiện thì có thể bắt tay hoặc phun thuốc định kỳ 7 – 10 ngày 1 lần và phun 2 – 3 lần, sử dụng dung dịch omethoate 40% hoặc dung dịch dichlorvos 50% tỷ lệ 1:1000 lần nước, hoặc dung dịch deltamethrin 2,5% 1:3000 lần nước.
- Tương tự rệp sáp, nhện cũng hút chất dinh dưỡng từ lá, bạn có thể phun dicofol EC hoặc omethoate EC 40% tỷ lệ 1:1000 lần nước.
- Bệnh mốc trắng xảy ra ở thân, gốc lá sát đất. Lúc đầu có mốc màu trắng sau chuyển thành màu vàng, cuối cùng có màu nâu hoặc nâu sẫm, làm cho các bộ phận bị thối. Bệnh này do nấm Sclerotinia sclerotiorum gây ra. Cây dễ bị bệnh khi đất quá ẩm và thiếu phân bón. Có thể phun 70% pentachloronitrobenzen vào đất để khử trùng đất, kết hợp nhổ cây bị bệnh và đào bỏ những chỗ đất bị bệnh, thay bằng đất mới.
- Bệnh đốm lá gây hại cho lá. Ban đầu xuất hiện những đốm nhỏ đường kính dưới 1 mm, sau đó chuyển thành những đốm màu nâu đỏ có đường kính khoảng 2 mm, xung quanh có quầng sáng. Lâu dài khiến lá bị khô, chủ yếu là do thông gió kém, trồng quá dày, tích tụ nước. Biện pháp là bón thêm phân bón lót, loại bỏ lá bị bệnh, kết hợp phun 75% bột chlorothalonil tỷ lệ 1:500 – 600 lần trước khi phát bệnh, hoặc phun 70% methylthiobacillus tỷ lệ 1:1000 lần nước trong giai đoạn đầu.
- Bệnh thối rễ do nấm Fusarium oxysporum gây ra khiến lá khô, chuyển sang màu nâu. Cây bị bệnh có tốc độ tăng trưởng chậm, bạn có thể sử dụng Topsin M 500 SC (pha loãng 1 ml/1l nước).
3. Lý do lá bị vàng
- Do nhiệt độ quá thấp, đặc biệt khi nhiệt độ < 5°C vào mùa đông, lá sẽ bị cóng và chuyển sang màu vàng. Do đó bạn nên duy trì nhiệt độ môi trường tối thiểu là 10°C.
- Do môi trường đất khô lâu không được tưới nước, độ ẩm thấp. Độ ẩm ở đây không chỉ nói đến độ ẩm của đất mà còn đề cập đến độ ẩm không khí. Giải pháp là nên tưới nước để giữ ẩm cho đất, đồng thời duy trì độ ẩm ở mức 60% – 70%.
- Do tiếp xúc với ánh sáng quá mạnh, nhất là vào giữa mùa hè nóng nực trên 35°C. Nếu bạn trồng cây ngoài trời thì nên đặt ở ban công có lưới che hoặc trên bậu cửa sổ hướng Đông để đón ánh nắng nhẹ nhàng.
- Do bón phân không đủ. Lá cây đuôi công rất lớn so với thân lại phát triển nhanh trong môi trường ấm áp nên tốn nhiều chất dinh dưỡng, do đó nếu trong mùa sinh trưởng của cây thiếu chất dinh dưỡng thì, lá sẽ mảnh mai và chuyển vàng. Bón quá nhiều cũng sẽ gây cháy rễ, vàng lá. Do đó bạn nên bón phân pha loãng thường xuyên, trong trường hợp bón nhiều thì cắt bỏ những rễ thối, sau đó dùng dung dịch carbendazim tỷ lệ 1:1000 lần để giải độc cho bộ rễ. Nếu không thích phân vô cơ thì bạn có thể tưới nước gạo lên men 15 ngày/ lần.
IV. Phương pháp nhân giống
1. Chia nhánh
Đuôi công tím thường được nhân giống chủ yếu bằng phương pháp chia nhánh ở nhiệt độ lý tưởng khoảng 20°C vào mùa xuân, nhưng cũng có thể làm quanh năm miễn là nhiệt độ và độ ẩm phù hợp. Khi nhân giống, dùng tay chia những đoạn rễ cùng thân, lá hoặc chồi lá và tách ra thành những cây con, khi nhiệt độ và độ ẩm không đúng yêu cầu thì cần che phủ màng nilon và nhiệt độ bên trong màng che phải đạt 20 – 28°C và độ ẩm trên 80%.
2. Giâm cành
Bạn cắt những đoạn dài 10 – 15 cm tùy theo kích thước của lá mà giữ lại 1/3 – 1/2 số lá sau đó ngâm trong axit naphthyl axetic 500 ppm trong 2 – 3 giây hoặc các dung dịch kích rễ tương tự như axit Indole axetic, axit Indolebutyric và bột tạo rễ ABT rồi mới cắm vào luống trồng với khoảng cách giữa các hàng tốt nhất là 5 × 10 cm, che lại bằng màng nilon. Việc nhân giống giâm cành cũng có thể được thực hiện bất cứ lúc nào nhiệt độ > 20°C. Cành giâm có thể ra rễ sau 30 – 50 ngày, tuy nhiên tỷ lệ sống không cao bằng phương pháp phân chia, thông thường chỉ khoảng 50%.