Mộc hương là một loài cây thân gỗ có hình dáng đẹp và có giá trị làm cảnh rất cao, đặc biệt bởi mùi hương thơm ngát từ hoa mà không thể lẫn với các loài hoa khác. Hoa của cây cũng có nhiều tác dụng trong y học, cây cũng dễ trồng nên nó là một trong những cây cảnh đẹp giá trị cao và phổ biến nhất hiện nay.

I. Đặc điểm hình thái & sinh trưởng

1. Đặc điểm hình thái

Mộc hương còn có tên gọi khác là mộc tê, cây mộc hay quế hoa, tên khoa học của nó là Osmanthus Fragrans thuộc chi Osmanthus (Mộc tê), họ Oleaceae (Ô liu), là một loại cây thân gỗ hoặc cây bụi thường xanh, cao trung bình từ 3 – 5 mét và đột biến có thể cao tới 18 mét rong tự nhiên. Vỏ thân màu nâu xám còn thân cành con có màu nâu vàng, không có lông, cành có thể dài 20 – 40 cm, vỏ mỏng.

  • Lá mọc đối và có nhiều lông, hình bầu dục hoặc hình mũi mác, dài 7 – 14.5 cm và rộng 2.6 – 4.5 cm, đầu á hơi thon, gốc lá hơi rộng. Gân giữa lá lõm ở mặt trên lồi ở mặt dưới, có 6 – 8 đôi gân bên thậm chí là 10 đôi, gân bên lõm ở trên mặt trên và mặt dưới lồi, cuống lá dài 0.8 – 1.2 cm, không có lông.
  • Hoa có mùi thơm, đài hoa dài khoảng 1 mm, thùy nở không đều và cánh hoa có màu trắng vàng hoặc vàng nhạt, dài 3 – 4mm, chỉ nhị dài 0.5 – 1 mm và mọc ở giữa ống tràng. Bao phấn dài khoảng 1 mm, vách ngăn hơi kéo dài từ đỉnh của cánh hoa. Thời kỳ ra hoa từ tháng 9 – tháng 10.
  • Quả có hình bầu dục, dài 1 – 1.5 cm, màu tím đen khi chín vào tháng 3 năm sau.
Đặc-điểm-hình-thái-&-sinh-trưởng-của-mộc-hương
Đặc-điểm-hình-thái-&-sinh-trưởng-của-mộc-hương

2. Đặc điểm sinh trưởng

Mộc hương là loài cây ôn đới, ưa khí hậu ấm áp, ẩm ướt, không chịu được môi trường lạnh < 0°C, ra hoa kém khi nhiệt độ >38°C, dù vậy thì nó có thể chống chịu được nhiệt độ thấp nhất -13°C. Cây ưa ánh sáng tự nhiên mạnh, nếu ánh sáng tự nhiên không đủ (nếu như trồng trong nhà) thì cây chỉ mọc lá, không nở hoa, tuy nhiên vào buổi trưa mùa hè thì nên che chắn một chút để cây không bị cháy lá.

Độ ẩm cũng cực kỳ quan trọng đối với sự sinh trưởng và phát triển của cây, trung bình hàng năm 75 – 85% là lý tưởng nhất, lượng mưa hàng năm khoảng 1.000 mm.

Thời kỳ nở hoa khác

Thời kỳ ra hoa trung bình là khoảng tháng 9 – 10 dương lịch nhưng nó cũng có thể nở sớm hoặc muộn hơn. Ví dụ:

  • Thời kỳ ra hoa sớm: Lúc này số lượng hoa mới hé nở một phần (30%-50%), màu sắc đậm hơn, hương thơm ngào ngạt.
  • Thời kỳ ra hoa đầy đủ: Lúc này hầu hết hoặc gần như toàn bộ hoa đã nở (50% – 90%), hoa có màu sẫm hơn, vẫn có giá trị làm cảnh nhưng hương thơm có phần nhẹ hơn.
  • Thời kỳ nở muộn: Các bông hoa đã nở hết, cuống hoa và các cánh hoa bắt đầu tách ra, một ít hoa đã rụng, màu sắc của hoa nhạt dần, hương thơm giảm hẳn.
Tác-dụng-của-hoa-mộc-hương
Tác-dụng-của-hoa-mộc-hương

II. Tác dụng & ý nghĩa của mộc hương

1. Tác dụng

Vì là cây thường xanh quanh năm, cành lá xum xuê, nở hoa vào mùa thu, có mùi thơm cực kỳ dễ chịu nên được trồng rộng rãi trong vườn hoặc trong chạu để làm cảnh. Ngoài ra, hoa còn có thể được sử dụng trong thực phẩm, làm nguyên liệu chế biến mỹ phẩm, bánh ngọt, kẹo và rượu vang. Quả và rễ còn có thể dùng làm thuốc, có tác dụng tán hàn, tiêu đờm, giảm ho, trị đau răng, ho nhiều đờm, vô kinh.

  • Quả có vị cay, ngọt, tính ấm nóng nên có tác dụng làm ấm dạ dày.
  • Rễ có vị ngọt, có tác dụng điều trị thấp khớp, đau nhức xương, đau thắt lưng, đau răng.
  • Trà hoa mộc hương là một loại trà được pha bằng cách ủ hoa với trà xanh, trà đen hoặc trà ô long… Hương trà rất nồng nàn, lại có vị ngọt, có tác dụng dưỡng ẩm cổ họng và thanh lọc phổi. Hương thơm của hoa có chứa nhiều hợp chất thơm khác nhau như rượu, anken, xeton, este, aldehyd và hydrocarbon.
  • “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” ghi lại rằng: “Mộc hương có vị hăng, ngọt, hông độc, có tác dụng tán hàn, tiêu huyết ứ, làm thông đường ruột và kiết lỵ ra máu.

2. Ý nghĩa

Ở Đài Loan, hoa mộc hương được dùng trong các lễ cưới. Theo phong tục ở đây thì cô dâu sẽ mang theo mình một quả lựu và hoa mộc hương do chính mình trồng về nhà chồng, trong đó hoa mộc là ​​biểu tượng cho sự chung thủy trong tình yêu còn quả lựu là biểu tượng cho sự hòa thuận và sinh con đẻ cái.

Biểu tượng tết Trung Thu ở Trung Quốc cũng là hoa mộc tê, thường được tổ chức vào tháng 9 dương lịch là lúc hoa nở. Vào ngày này, cả gia đình sẽ quây quần bên nhau nhưng ở ngoài vườn, ăn “bánh nướng” rồi kể chuyện cổ tích cho con cái nghe.

Hướng-dẫn-trồng-&-chăm-sóc-cây-mộc-hương
Hướng-dẫn-trồng-&-chăm-sóc-cây-mộc-hương

III. Hướng dẫn trồng & chăm sóc cây

Nên trồng mộc hương vào mùa xuân hoặc mùa thu, đặc biệt vào những ngày nhiều mây và có mưa. Chọn nơi thoáng gió, đất thoát nước tốt và thời tiết ấm áp, có đủ ánh nắng hoặc nửa  nắng nửa râm. Ngoài ra đất trồng nên là đất chua, tránh đất kiềm, bạn có thể cân nhắc hỗn hợp đất trồng gồm đất mùn lá, đất thịt, đất cát, phân hữu cơ mục theo tỷ lệ 2:3:3:1.

Thời điểm thích hợp nhất để cắt tỉa cho cây là thời kỳ cây ngủ đông, tức là từ tháng 1 – tháng 2 hàng năm. Các vị trí cần cắt tỉa là những cành rậm rạp và cành có chồi mỏng, cành mọc quá dài.

Phòng trừ sâu bệnh

  1. Đốm nâu: Ở giai đoạn đầu của bệnh, trên lá xuất hiện những đốm nhỏ màu vàng sau đó dần lan rộng thành đốm  gần tròn có đường kính 2 – 10 mm màu vàng nâu đến nâu xám, xung quanh có quầng màu vàng. Bệnh này thường xảy ra từ tháng 4 – tháng 10, lá già dễ bị bệnh hơn lá non.  Tác nhân gây bệnh là nấm dạng sợi ở trên lá rụng bị bệnh và tạo ra bào tử lây nhiễm nhờ dòng không khí và giọt mưa.
  2. Bệnh bạc lá: Ở giai đoạn đầu, trên lá xuất hiện những đốm nhỏ màu nâu nhạt, dần dần lan rộng thành các đốm tròn lớn màu nâu xám, xung quanh đốm có màu nâu sẫm. Bệnh thường xảy ra từ tháng 7 – tháng 11, lây lan nhờ gió và nước. Môi trường nhiệt độ cao, độ ẩm cao và môitrường thông gió kém là điều kiện thuận lợi cho bệnh này.
  3. Bệnh thán thư: Ở giai đoạn đầu của bệnh, trên lá xuất hiện những đốm úa nhỏ, lan rộng dần thành hình tròn, hình bán nguyệt hoặc hình bầu dục có màu nâu nhạt đến trắng nhạt với các vòng màu nâu đỏ ở xung quanh. Bệnh thường xảy ra từ tháng 4 – tháng 6.
  4. Các loài gây hại: Loài gây hại chính của mộc hương là ve. Khi phát hiện loài gây hại thì cần xử lý ngay, có thể dùng thuốc đặc trị hoặc triazoltin để xịt đều mặt trước và mặt sau. Mỗi tuần một lần, liên tục 2 – 3 lần.
Phương-pháp-nhân-giống-mộc-hương
Phương-pháp-nhân-giống-mộc-hương

IV. Phương pháp nhân giống

Các kỹ thuật nhân giống chính bao gồm giâm cành, ghép, nhân giống theo lớp.

1. Gieo hạt

Quả mộc tê chín từ tháng 4 – tháng 5, vỏ chuyển từ màu xanh sang màu tím đen. Hạt phải bảo quản trong cát ít nhất 6 tháng, sau khi thu hoạch nên tẩm ít nước và ngâm lại, bỏ cùi, để nơi thoáng mát để hạt khô tự nhiên. Sau khi gieo hạt thì phủ một lớp đất mỏng và tưới nước tạo độ ẩm, đồng thời luôn giữ ẩm cho đất để cây có thể nảy mầm. Cây trồng từ hạt chỉ có thể nở hoa sau 8 – 10 năm.

2. Ghép cành

Đầu tiên cắt những cành khỏe 1 – 2 năm tuổi có chiều dài 10 – 12 cm, sau đó cắt gốc ghép là những cành cách mặt đất 5 cm thành một góc xiên nhỏ 45 độ, cắt theo chiều dọc khoảng 1/3 mặt gốc sâu khoảng 2 – 3cm rồi cắm cành ghép vào vết cắt này sao cho thẳng hàng, bọc vết cắt lại bằng bầu đất bọc nilon chặt. Gốc ghép có thể dùng cây săng xanh (Ligustrum lucidum) vì tỷ lệ sống cao, cây ghép sinh trưởng nhanh.

3. Giâm cành

Cũng chọn những cành 1 – 2 năm tuổi có chồi phát triển tốt và cắt dài thành đoạn 5 – 10 cm, bỏ những lá phía dưới, để lại 2 – 3 lá phía trên rồi cắm vào đất cát với khoảng cách đều nhau. Hàng cách hàng 3 cm x 20 cm, sau đó tưới nước và che chắn, giữ nhiệt độ 20 – 25°C, độ ẩm không khí 85 – 90%. Sau 2 tháng thì cành có thể ra rễ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.