Kim tiền có tên khoa học là Zamioculcas zamiifolia, là loài duy nhất của chi Zamioculcas, đây là một loại cây kiểng lá trong nhà phổ biến trong những năm gần đây vì khả năng chịu bóng râm rất tốt lại dễ trồng, ngưỡng nhiệt độ phát triển rộng, cũng rất phù hợp làm quà tặng trong dịp năm mới.
Contents
I. Đặc điểm hình thái & sinh trưởng
1. Đặc điểm hình thái
Cây kim tiền cao trung bình 25 – 50cm, củ mọc dưới đất đường kính 5 – 8cm, trên mặt đất không có thân chính. Lá kép hình lông chim mọc lên từ mặt đất, các lá chét mọc đối nhau và có 6 – 10 cặp, mép lá nguyên, đỉnh hơi nhọn, bề mặt lá sáng bóng như bôi sáp. Lá chét có hình trứng rộng hoặc hình bầu dục và ví lá giống như những đồng xu nên được gọi là kim tiền.
Hoa có màu xanh lục, thuỳ ngắn.
Đây là một loài phát triển rất chậm, 1 năm cuống lá chỉ cao thêm 12 – 15 cm và chỉ có một số lá mới, tuổi thọ cũng thường không quá 10 năm và hiếm khi nở hoa (thường chỉ cây > 3 tuổi mới nở hoa, nở nhiều hơn vào cuối vòng đời).
2. Đặc điểm sinh trưởng
Quê hương của Zamioculcas là vùng nhiệt đới Châu Phi – Kenya. Do đó nó mọc ở vùng đất khô cằn, nơi có ánh nắng trực tiếp chiếu vào nhưng vẫn phát triển tốt, thậm chí trong điều kiện thiếu ánh sáng và thừa ẩm. Cây ưa nhiệt độ cao 22 – 30°C và không nên thấp hơn 15°C. Đất tốt nhất là đất mùn hoặc thịt pha cát hơi chua pH 6 – 6.5, cần chú ý đất thoát nước tốt, ngoài ra vì củ có khả năng trữ nước nên không cần tưới quá nhiều, mùa xuân – thu tưới 3 – 5 ngày/ lần là được.
Đây là loài phát triển chậm, trung bình cuống lá chỉ dài thêm 12 – 15 cm mỗi năm và cũng chỉ có thêm một số lá mới xuất hiện trên cành đó.
II. Tác dụng & ý nghĩa của cây
1. Tác dụng
1.1. Thanh lọc không khí
Cây kim tiền được cho là có thể hấp thụ khí độc hại như formaldehyde và benzen, đồng thời tiêu diệt vi khuẩn trong không khí thông qua quá trình quang hợp, giúp không khí trong lành hơn, nó thậm chí còn có thể hút bụi mà ngay cả máy hút bụi cũng không thể hút được. Cần lưu ý rằng kim tiền giống như hầu hết các thành viên khác trong họ Ráy là có nhựa cây có chứa các chất gây kích ứng da và niêm mạc, vì vậy nên sử dụng găng tay và cẩn thận khi cầm cây.
2. Ý nghĩa
Đúng như tên gọi của nó, kim tiền có ý nghĩa thu hút sự giàu có, thịnh vượng cho gia chủ, để nó đem lại điều này thì bạn nên trồng ở góc Đông Nam của căn phòng thậm chí có người còn rải vài đồng xu vào đất. Lá có bề mặt xanh bóng nên phù hợp để làm cảnh trang trí trong phòng khách, phòng làm việc, mang lại cảm giác tràn đầy sức sống, đồng thời cũng là món quà lý tưởng cho bạn bè.
Ngoài ra, nếu bạn có một giai đoạn trong đời phải đưa ra một quyết định khó khăn nào đó và bạn đang nghiêng về một phương án nhưng chưa dám làm, trong giai đoạn này mà cây kim tiền nở hoa thì hãy tự tin làm theo lựa chọn đó của mình nhé!
III. Hướng dẫn trồng & chăm sóc cây
1. Trồng & chăm sóc
- Đất trồng tơi xốp thoát nước tốt, giàu mùn là được. Bạn có thể cân nhắc hỗn hợp gồm rêu sphagnum và đá trân châu, hoặc cát sông và than bùn theo tỷ lệ 3:1 hoặc hỗn hợp than bùn, xơ dừa và đá trân châu theo tỷ lệ 8:2:1, khử trùng bằng dung dịch thiophanate tỷ lệ 1:1.000 lần thì càng tốt.
- Nhiệt độ tối ưu cho sự tăng trưởng của cây là 20 – 32°C, mùa hè khi nhiệt độ > 35°C thì cần che chắn cho cây bằng lưới, mùa đông duy trì nhiệt độ trên 10°C và không được thấp hơn 5°C. Cây không cần tưới nước thường xuyên vì nó có thể sống mà không cần nước tới 2 tuần.
- Có thể trồng hoàn toàn trong bóng râm nhưng tốt hơn là nên có 20 – 30% được chiếu sáng tự nhiên, tất nhiên không phải ánh sáng trực tiếp và nắng gắt.
- Nó ưa phân bón nên có thể bón 0.2% ure + 0.1% dihydro photphat 2 – 3 lần / tháng trong giai đoạn cây sinh trưởng. Hỗn hợp NPK phù hợp là 20-10-20 (20-20-20) với nồng độ 200 – 250ppm, kết hợp với canxi nitrat. Sau mùa thu thì ngừng bón phân đạm và bổ sung kali dihydro photphat 0,3% 2 – 3 lần để cây cứng cáp, chuẩn bị cho mùa đông.
- Thay chậu lại hàng năm đối với cây con và 3 – 4 năm đối với cây lớn. Kích thước chậu mới phải rộng hơn chậu trước ít nhất 20% và phải có lỗ thoát nước. Một thông tin vui là đây là một trong những loại cây mọc vào thành chậu theo đúng nghĩa đen nên theo kinh nghiệm của chúng tôi, phải tới 95% trường hợp phải đập chậu thì mới lấy được cây ra, nếu trồng chậu nhựa thì bạn nên bóp méo chậu xung quanh rồi hãy nhấc cây lên.
Dấu hiệu thường gặp nhất có lẽ là lá vàng, nâu và rủ xuống. Nguyên nhân chính là do tưới nước quá nhiều nên ngay khi lá bắt đầu đổi màu thì bạn nên kiểm tra độ ẩm của đất, đôi khi lá vàng cũng có thể do ánh sáng mặt trời quá mức, nói chung bạn nên tìm hiểu tình trạng cây để có phương án chăm sóc phù hợp.
2. Kiểm soát sâu bệnh
- Bệnh đốm nâu chủ yếu xuất hiện trên lá, vết bệnh có màu nâu xám hoặc nâu vàng, mép lá hơi sẫm màu. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiệt độ cao, độ ẩm cao và thông gió kém. Nên loại bỏ các lá bị bệnh đồng thời phun bột 50% carbendazim tỷ lệ 1:600 lần nước hoặc huyền phù 40% chlorothalonil 1:500 lần, 10 ngày một lần và phun 3 lần liên tiếp.
- Bệnh mốc trắng do nấm Sclerotia phát triển, lúc đầu có màu trắng, sau chuyển dần sang màu vàng, nâu đỏ đến nâu sẫm khiến cho thân và lá mềm, sau đó thối và chết. Phần lớn vi khuẩn gây bệnh nằm ở lớp đất mặt 1 – 2 cm.
- Thối rễ do tưới quá nhiều nước, đất chặt không thoáng khí.
- Côn trùng cánh vảy xuất hiện chủ yếu do thông gió kém và không có ánh sáng. Phương pháp phòng trừ là bắt bằng tay hoặc phun 20% bột Promethazine tỷ lệ 1:1000 lần nước.
- Rệp là loài côn trùng nhỏ có thể có màu xanh lục, xám hoặc đen, thường nằm ở mặt dưới của lá và hút nhựa cây, khiến lá bị khô và cong lại. Bạn có thể phun dung dịch nicotin sunfat hoặc xà phòng pha loãng.
IV. Phương pháp nhân giống
Nhân giống kim tiền chủ yếu bằng phương pháp phân chia hoặc giâm (bạn có thể giâm bằng tất cả các bộ phận như cành, lá nếu đúng cách sẽ thành một cây mới).
1. Giâm cành
Giâm cành bằng lá nhỏ, cành có 2 lá hoặc cành đơn lẻ đều được nhưng cành có lá sẽ có tỷ lệ nảy mầm cao hơn và dễ phát triển thành củ. Hỗn hợp đất giâm cành tốt là đất than bùn, đá trân châu và cát sông theo tỷ lệ 3:1:1. Duy trì nhiệt độ môi trường 25 – 27° C, phun lên lá 1 – 2 lần/ngày để giữ cho đất, sau 10 – 14 ngày có thể hình thành rễ ở gốc lá, sau 2 – 3 tháng trồng sẽ phát triển thành củ nhỏ.
2. Phân chia
Đào cả cây ra khỏi chậu, giũ bỏ đất khỏi rễ rồi tách các chồi hoặc cây con khỏi các khớp yếu của củ, bôi bột lưu huỳnh hoặc tro thực vật lên vết tách rồi trồng vào chậu riêng, khi trồng chú ý không chôn rễ quá sâu, ngọn củ chỉ nên cách mặt đất 1.5 – 2 cm.