Hoàng nam có tên khoa học là Monoon longifolium (tên cũ là Polyalthia longifolia). Cách đây vài chục năm, gỗ hoàng nam từng được cho là loài cây tượng trưng cho nỗi buồn bởi vì từ dáng cây lẫn tên của cây (asoka) ở nhiều nước có ý nghĩa đau buồn, do đó người ta ít khi trồng nó trong sân vườn nhà, tuy nhiên quan điểm này ngày nay đã khác và hoàng nam dần trở thành cây hàng rào sân vườn ngày càng phổ biến
Contents
I. Đặc điểm hình thái & sinh trưởng
1. Đặc điểm hình thái
Hoàng nam là một loài cây thân gỗ thường xanh, mọc theo dạng hình chóp đối xứng, thân chính mọc thẳng không phân nhánh, cao trung bình 10 – 20m và có thể cao tới 30m. Cành cây mảnh, ngắn khoảng 1 – 2 m, vỏ nhẵn màu xám đen hoặc xám nâu và rũ xuống.
- Lá có hình mũi mác dài 7.5 – 23cm và rộng 1.5 – 3.8 cm, mép lượn sóng, màu xanh tươi, bề mặt phiến lá rất mềm mại. Cuống lá dài khoảng 6 mm. Khi lá còn non thì có màu vàng và nâu đồng sau đó chuyển sang màu xanh nhạt và cuối cùng là xanh đậm. Lá có gân bên ở mặt sau nổi rõ còn ở mặt trước hơi nhô ra.
- Cụm hoa hình ô, nhỏ. Hoa có 6 cánh mọc ở nách lá, có màu xanh nhạt, thời gian nở hoa từ tháng 3 – giữa tháng 5 và nở trong 3 tuần, có mùi thơm thoang thoảng hoặc không có. Có 3 lá đài hình tam giác, nhiều nhị hoa hình nêm.
- Quả mọc thành cụm 10 – 20 quả, quả có hình bầu dục, màu đen khi chín, đường kính khoảng 2 cm. Trong mỗi quả có 1 hạt màu nâu nhạt, kết quả vào tháng 2 – tháng 6.
2. Đặc điểm sinh trưởng
Cây hoàng nam ưa khí hậu nóng ẩm, nhiệt độ cao, đủ ánh nắng tự nhiên, không chịu bóng râm và có thể rụng lá, khô cành phía dưới, không chịu được sương giá và nhiệt độ thấp. Cành non sẽ chết ở -1.7°C và lá bị hư hại ở 2°C, nhiệt độ tối thiểu phải trên 5°C, nhiệt độ tốt nhất là 22 – 32°C. Cây ưa đất cát pha cát thoát nước tốt, có khả năng chịu kiềm ở mức độ nhất định.
II. Tác dụng & ý nghĩa của cây
1. Tác dụng
Cây có lá dài, duyên dáng với tán cây hình chóp, được trồng nhiều làm cây cảnh sân vườn ở vùng nhiệt đới và Đông Nam Á. Nó còn có tác dụng giảm ô nhiễm tiếng ồn. Trước đây, những khúc gỗ thẳng, nhẹ và dẻo của cây dùng để sản xuất cột buồm cho thuyền buồm còn ngày nay thì chủ yếu được sử dụng để làm những vật dụng nhỏ như hộp bút, hộp quà…
Ngoài ra theo y học Ayurverdic, hoa còn được sử dụng làm dược liệu giúp giảm ho, tiêu đờm, bổ máu còn vỏ cây được sử dụng để điều trị sốt, tiểu đường, cao huyết áp và giun đường ruột.
2. Ý nghĩa
III. Hướng dẫn trồng & chăm sóc cây
Bạn có thể trồng cây trực tiếp từ hạt giống nhưng nó không phổ biến lắm vì khả năng nảy mầm thấp và còn phải rất lâu nữa hoa mới nở nên tốt hơn là trồng cây con cao khoảng 1 mét bằng cách đào hố sâu khoảng 1/3 chiều cao của cây. Sau khi đào hố thì trộn đất với một ít phân chuồn, đặt cây con vào và phủ đất lên tạo thành gò đất thấp. Thời gian đầu không nên bón thêm phân bón vì đã lót ở đáy hố rồi mà chờ đến khi thân cây khỏe và rễ tốt. Ngoài ra bạn cần chú ý thêm:
- Trồng ở nơi có ánh sáng tự nhiên cả ngày.
- Tưới nước cách ngày.
- Bón phân 2 – 3 lần/ năm theo khuyến nghị ghi trên bao bì.
IV. Phương pháp nhân giống
Hoàng nam được nhân giống chủ yếu bằng cách gieo hạt.
Khi quả chín sẽ chuyển từ màu xanh sang đen và tím, đây là thời điểm có thể thu hoạch. Sau khi hái quả thì bỏ vỏ, làm sạch hạt và phơi khô trong bóng râm trước khi gieo, nếu cần bảo quản thì bảo quản trong cát ẩm hoặc xơ dừa hoặc cho vào tủ lạnh nhưng tốt nhất vẫn nên gieo ngay. Đất gieo hạt là đất thịt pha cát 30%, gieo rải rác và phủ đất sao cho không nhìn thấy hạt sau đó phủ màng nilon để giữ ẩm cho đất, khoảng 10 ngày hạt có thể nảy mầm. Khi cây cao 4 – 5 cm thì chuyển vào bầu ươm rồi che nắng tiếp khoảng 15 ngày. Tăng cường tưới nước và phân bón lỏng nhiều lần, khi cây con cao 40 – 50 cm có thể đem ra khỏi vườn ươm và trồng vào vườn.